(ĐCSVN) – Hòa vào niềm vui đón xuân mới của đất nước, trước muôn vàn thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đặt quyết tâm rất lớn, khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình để duy trì, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn, kịp thời trong điều kiện dịch bệnh nhằm phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Giữ đà tăng trưởng tích cực
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, bước vào năm 2022, tình hình đại dịch COVID-19 dự báo sẽ sớm được khống chế, tình hình kinh tế trong nước ngày càng khả quan so với các tháng đầu năm ngoái.
Một trong những trọng tâm quan trọng bậc nhất trong năm 2022 là công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ GTVT dự kiến năm 2022, hoạt động vận tải sẽ đi vào ổn định, thông suốt, kịp thời, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Về sản lượng vận tải năm 2022, Bộ GTVT đặt mục tiêu khối lượng hàng hóa (Tấn) tăng khoảng 6%, hành khách (HK) tăng khoảng 7% so với năm 2021; khối lượng luân chuyển hàng hóa (Tấn.km), luân chuyển hành khách (HK.km) dự kiến 7,5% về luân chuyển hàng hóa và tăng 8,0% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2021.
Về sản lượng vận tải và lượng luân chuyển hành khách, hàng hóa sẽ phụ thuộc và biến động rất lớn do tác động từ diễn biến của công tác phòng chống dịch COVID-19; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 750 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2021.
Theo thống kê của Bộ GTVT, trong 11 tháng năm 2021, sản lượng vận tải hành khách lũy kế ước đạt 2.268 triệu lượt khách, giảm 30,1% so với cùng kỳ. Luân chuyển hành khách ước đạt 90,843 triệu HK.km giảm 38,4% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-53,5%), đường bộ (-30%), đường biển (-34,5%), đường sắt (-60%), đường thủy (-27,1%).
Vận tải hàng hóa lũy kế 11 tháng ước đạt 1.471 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ. Luân chuyển hàng hóa ước đạt 300,7 tỷ tấn.km giảm 1,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-5,9%), đường bộ (-9,4%), đường thủy (-5,3%), đường biển (+3,1%), đường sắt (+10,3%).
Ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2021 là 703 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 184,4 triệu tấn, tăng 4% với cùng kỳ năm 2020; Hàng nhập khẩu đạt 214 triệu tấn, giảm 5% với cùng kỳ năm 2020; hàng nội địa đạt 303 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020; hàng quá cảnh bốc dỡ đạt 1,72 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2021 là 23,8 triệu Teus, tăng 6% so với năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt 7,85 triệu Teus, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020; hàng nhập khẩu ước đạt 7,86 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; hàng nội địa ước đạt 8,1 triệu Teus, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng hành cùng doanh nghiệp thích ứng linh hoạt
Chia sẻ về việc hỗ trợ vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong năm 2022, Bộ GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch COVID-19 và bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới gắn với yêu cầu phục hồi thị trường vận tải trong nước, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập trung tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.
Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở hàng quá tải trọng, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ, sử dụng các chất kích thích trong điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa…
Nhìn lại bức tranh GTVT năm 2021, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thành phần kinh tế, trong đó có lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng chống dịch nói chung và công tác bảo đảm hoạt động vận tải nói riêng đã có nhiều chuyển biển, đạt được kết quả tích cực.
Trong nỗ lực chung ấy, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp vận tải nhằm bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh. Theo đó, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch COVID-19; thành lập các Đoàn kiểm tra tại 22 địa phương về tổ chức hoạt động vận tải, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; ban hành 05 hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực; đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi các quy định đã ban hành không phủ hợp, trải với chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ trong hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch COVID-19.
Để chủ động phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Bộ đã xây dựng, ban hành Kế hoạch vận tải, bảo đảm trật tự, ATGT gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.
“Có thể nói, ngành GTVT đã cố gắng, nỗ lực hết sức mình để duy trì, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn, kịp thời trong điều kiện dịch bệnh diễn biển phức tạp nhằm phục vụ mục tiêu kép vửa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở mức cao nhất có thể theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Liên hệ báo giá
Liên hệ báo giá
Để lại thông tin của bạn ở biểu mẫu dưới đây, tôi sẽ gọi cho bạn tư vấn.